Voọc Cát Bà là một loài động vật quý hiếm, đang sinh sống và được bảo tồn trong Vườn Quốc Gia Cát Bà. Rất nhiều du khách khi đến đây đều mong muốn nhìn thấy voọc Cát Bà tuy nhiên không phải ai cũng may mắn bắt gặp được chúng. Trong bài viết dưới đây, Beka Travel xin giới thiệu về loài voọc Cát Bà để các bạn cùng theo dõi
Xem nhanh
Giới thiệu Voọc Cát Bà
Voọc Cát Bà còn được gọi là voọc đầu vàng, tên tiếng Anh là Cat Ba Langur là loài động vật có vú, thuộc họ linh trưởng với đặc điểm là mình đen, đầu vàng vô cùng quý hiếm, sinh sống trên các dãy núi đá vôi trên quần đảo Cát Bà.
Đây là một trong 4 loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam và cũng là nơi duy nhất trên thế giới còn tồn tại loài voọc này. Hiện tại, voọc đầu trắng Cát Bà không hề tồn tại ở VQG, và chỉ có loài voọc đầu vàng đang dần bị tuyệt chủng này.
Các cá thể voọc đầu vàng tồn tại tính đến hiện nay chỉ còn khoảng 60 cá thể, do đó, nó nằm trong sách đỏ Việt Nam và nằm trong Danh mục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất.
Xem thêm:
Quá trình phát triển và sinh sản của voọc đầu vàng Cát Bà
Số lượng cá thể voọc Cát Bà trên đảo đã từng lên tới hơn 3000 con, nhưng hiện nay trên thế giới chỉ còn vài chục con, dẫn đến hiện tượng suy thoái giống nòi và cần được bảo tồn kịp thời.
Quá trình phát triển của Voọc Cát Bà
Khi mới sinh, voọc con có màu lông màu vàng cam, từ tháng tuổi thứ 4 trở đi, lông của chúng bắt đầu chuyển dần sang màu đen và giữ nguyên màu lông phần đầu.
Càng trưởng thành, lông của chúng càng đen và thay lông dần dần, từ đó mà phần lông màu vàng chỉ còn trên đỉnh đầu, tạo nên đặc điểm riêng của loài là voọc đầu vàng. Các phần da còn lại trên cơ thể đều có màu đen sẫm.
Chiều dài cơ thể của chúng khi trưởng thành thực sự là khoảng 35 - 40cm, trong khi đó, đuôi của chúng lại dài gấp đôi so với cơ thể, rơi vào khoảng 80 - 90cm, giúp chúng có khả năng giữ thăng bằng khi leo trèo.
Chúng ăn các loại quả và lá cây, kể cả những loài thực vật có độc tính cao. Ban đêm, chúng chui vào các hang hoặc các vách đá chìa ra để nghỉ ngơi và tránh những hôm mưa bão.
Tuổi thọ trung bình của mỗi con voọc là từ 25 đến 30 năm và nơi sinh sống hàng ngày của chúng chính là những rừng cây trên dãy núi đá vôi trên đảo.
Tập tính sống theo bầy đàn của chúng ngày càng trở nên phổ biến hơn hết, các con đực vừa giữ vị trí là con đầu đàn, vừa có nhiệm vụ dẫn cả đàn đi kiếm ăn, bảo vệ đàn trước những con đực khác…
Quá trình sinh sản của Voọc Cát Bà
Sau 4 - 6 năm tuổi, chúng mới bắt đầu quá trình sinh sản của mình. Mỗi lần mang thai là 6 tháng, chúng chỉ sinh con một lần duy nhất và khoảng cách mỗi lần mang thai là 2 năm.
Không chỉ có vậy, các con voọc đực con sau khi trưởng thành sẽ bị đuổi ra khỏi đàn để tự đi kiếm con cái khác, từ đó sinh ra tập tính cướp đàn. Con đực sẽ đánh nhau với con đực của đàn khác để tranh giành, nếu con voọc đực cũ bỏ đi hoặc bị đánh chết thì con đực mới sẽ cắn chết và ném xác của con non mới đẻ trong đàn xuống biển để con cái bắt đầu quá trình sinh sản mới.
Cũng tồn tại trường hợp con đực sau khi bị đuổi ra khỏi đàn quay trở lại giết bố và chiếm đàn, giao phối với chính voọc mẹ hoặc các con cái cận huyết, trở thành một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng suy thoái giống nòi như hiện nay.
Các vấn nạn khiến cho các con voọc Cát Bà dần bị suy thoái giống nòi còn là sự tác động của con người như các nạn săn bắn quá mức, hoặc môi trường xung quanh chúng bị ảnh hưởng do con người can thiệp quá nhiều đến cuộc sống của chúng.
Dự án Bảo tồn Voọc Cát Bà
Đứng trước nguy cơ tuyệt chủng giống loài cao, Ban quản lý Cát Bà cùng các tổ chức bảo tồn động vật quý hiếm trên thế giới đã không ngừng đề xuất các dự án bảo tồn voọc Cát Bà. Đây là phương án hữu hiệu nhất giúp ngăn chặn tình trạng tuyệt chủng của loài voọc đầu vàng trên thế giới.
Mặc dù đã có các phương án bảo tồn được quyết định nhưng trong quá trình bảo tồn voọc Cát Bà đã gặp không ít khó khăn bởi địa hình hiểm trở, cũng như chưa có sự phối hợp đồng điệu với người dân và khách du lịch.
Nạn săn bắt trộm, nạn phá rừng làm nương trồng trọt, các hoạt động khai thác tài nguyên rừng, khai thác du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng.
Tính đến hiện nay, các mối đe dọa tới môi trường sống của chúng đã giảm đáng kể bằng các biện pháp bảo vệ tích cực, mở rộng quy hoạch những nơi sinh sống của chúng và bảo vệ nghiêm ngặt.
Nhưng vấn đề nan giải nhất còn tồn tại mà con người khó có thể nào can thiệp vào đó là quá trình sinh sản và tập tính chọn lọc tự tự nhiên của loài và tình trạng cận huyết đã làm suy thoái giống nòi ở mức độ cảnh báo.
Voọc Cát Bà là tài sản thiên nhiên quý giá, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khắp mọi nơi trên thế giới. Chính bởi nguy cơ tuyệt chủng cao như vậy, hy vọng người dân và các khách du lịch sẽ nâng cao ý thức bảo vệ giống môi trường tự nhiên, góp phần bảo vệ loài động vật quý hiếm này.
Nguồn ảnh: Chú Huy Cầm (Kiểm lâm Cát Bà)
Xem thêm