Giới thiệu về bảo tàng Sapa Lào Cai
Bảo tàng Sapa nằm trong khuôn viên của Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai. Cách trung tâm thị trấn Sapa khoảng 2km, bảo tàng nằm ở địa chỉ ở số 2 Fansipan, thị trấn Sapa.
Đây là nơi trưng bày và lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật về lịch sử, văn hoá của tất cả các dân tộc trên Sapa. Bảo tàng được thiết kế theo kiến trúc nhà sàn của người Tày, gồm có 2 tầng. Tầng 1 là nơi trưng bày các mặt hàng thổ cẩm, tầng 2 là nơi thể hiện lịch sử của vùng đất Sapa và các dân tộc thiểu số.
Chỉ với một buổi tham quan bảo tàng thôi, các bạn sẽ có thêm rất nhiều kiến thức về văn hoá, phong tục, tập quán và lịch sử hình thành của các anh em dân tộc miền núi phía Bắc.
Đi đến bảo tàng Sapa như thế nào?
Từ trung tâm thị trấn, các bạn có thể đi xe máy hoặc xe đạp đến bảo tàng vì quãng đường khá gần, chỉ khoảng 2km là đã tới nơi rồi. Xe máy, xe đạp bạn có thể đi thuê ngay tại trung tâm hoặc cũng có thể bắt xe ôm hoặc taxi.
Đường đến bảo tàng khá dễ đi, nếu bạn không biết đường đến thì có thể hỏi người dân nơi đây nhé, đảm bảo họ sẽ giúp đỡ bạn một cách nhiệt tình đó.
Tham quan bảo tàng Sapa bạn sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí vì ở đây không thu vé, lại còn mở cửa cả tuần nữa.
Giờ mở cửa buổi sáng: 7h30 - 11h30
Giờ mở cửa buổi chiều: 13h30 - 17h
Nét đặc sắc trong bảo tàng Sapa
Bảo tàng Sapa được thành lập và hoạt động theo mô hình của nhà du lịch Arcachon - Pháp. Hiện nay, nơi này đang lưu giữ khoảng 200 hiện vật, mô hình và nhiều tư liệu về các dân tộc Sapa như dân tộc H’Mông, Tày, Giáy, Hà Nhì, Dao Đỏ,...
Tầng 1 - nơi trưng bày các mặt hàng lưu niệm
Tầng 1 trưng bày rất nhiều hiện vật, được đặt ngay ngắn trên những chiếc kệ gỗ, phía trên là ánh đèn vàng dịu, khiến cho những hiện vật này như được quay trở lại thời gian lịch sử trước đây, gắn liền với cuộc sống của người dân trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Bạn có thể tìm mua ở đây một vài sản phẩm thủ công như món đồ nhỏ xinh hoặc một chiếc khăn để làm kỷ niệm cho chuyến đi này.
Tham khảo các tour du lịch Sapa:
Tầng 2 - nơi tái hiện những nét văn hoá truyền thống
Những bộ trang phục truyền thống của các dân tộc miền núi Sapa
Không thể nào bỏ qua được khu vực trưng bày các bộ trang phục truyền thống vô cùng đặc biệt của những người dân tộc bản địa. Trên cung đường khám phá và trải nghiệm Sapa, chắc hẳn các bạn cũng đã bắt gặp ít nhiều những người dân tộc khoác trên mình bộ trang phục truyền thống với màu sắc, hoa văn cực kỳ nổi bật mà bắt mắt.
Những bộ trang phục đó không chỉ đơn giản là thứ để mặc hàng ngày mà nó còn là đặc trưng cho nền văn hoá riêng biệt và gắn liền với lịch sử hình thành của mỗi dân tộc. Bên cạnh đó là mô hình khung cửi dệt vải của người Thái, để biết cách họ tạo ra những bộ trang phục như thế nào.
Tái hiện lại khung cảnh sinh hoạt của người dân nơi đây
Một mô hình kiểu nhà của người dân tộc của người Thái, với các bức tường và vật dụng đa số được làm bằng gỗ, khác hẳn so với những ngôi nhà tường gạch của chúng ta hiện nay. Trong đó, chúng ta có thể thấy rõ từng nơi ăn ở, làm việc, dệt vải của họ.
Thêm vào đó là mô hình một gia đình người Thái quây quần bên bếp lửa, được tái hiện một cách sống động và chân thật nhất.
Không chỉ có mộ hình nhà của người Thái mà ở đây còn tập hợp đầy đủ mô hình nhà sàn của tất cả các dân tộc thiểu số trên Sapa. Đó là nhà của người Giáy, người Tày, hay nhà vách đất của người H’Mông, tất cả đều mộc mạc, đơn sơ như chính con nguwoif họ.
Đi tiếp đến là nơi trưng bày những vật dụng trong sinh hoạt như giỏ đựng tôm cá, nhưng vách nhà làm bằng rất và ngói lợp từ rơm rạ, bàn thờ và các nhạc cụ dân tộc như cồng chiêng,...
Những nét văn hoá đặc sắc của các dân tộc
Ở một góc khác của bảo tàng đã tái hiện lại hình ảnh đám cưới của người Dao đỏ. Cô dâu, chú rể đều mặc trang phục dân tộc Dao, đầu quấn khăn đỏ, xung quanh là những vật dụng cần thiết nhưng tất cả đều đơn sơ, giản dị nhất.
Một góc của bảo tàng cũng đã tái hiện một cách chân thật nhất nghi lễ cấp sắc của người Dao đỏ. Đây là nghi lễ truyền thống từ bao đời nay của người Dao đỏ. Các chàng trai phải trải qua nghi lễ này mới được công nhận là người đàn ông thực sự trưởng thành.
Nghi lễ diễn ra vào những tháng cuối năm, những người được cấp sắc phải kiêng toàn bộ chuyện chăn gối và phụ nữ. Thầy cúng phải là người cao tay, tất cả các khâu chuẩn bị phải cẩn thận, đàng hoàng mới nhận được sự chứng giám của thần linh.
Một ngày tham quan bảo tàng Sapa thực sự sẽ khiến các bạn mở mang thêm nhiều kiến thức về các vùng miền. Nếu có dịp ghé thăm Sapa, đừng quên ghé qua đây để cơ hội trải nghiệm một phần cuộc sống của người dân tộc Sapa nhé!